Reviews

Lưỡi by Jo Kyung Ran

minguyen's review

Go to review page

2.0

Nếu phải tóm tắt một câu về cuốn sách này, “Lưỡi” mở đầu với một món khai vị giản dị đánh thức vị giác, rồi mang ra món chính là tổng hợp của nhiều hương vị phức tạp, và kết thúc bằng một món tráng miệng đắng nghét.

ᴆốɪ ᴠớɪ ᴆộᴄ ɢɪả ʜàɴ ǫᴜốᴄ, “Lưỡi” có một ý tưởng khá độc đáo. Nhân vật chính trong truyện là Ji Won - xuất thân từ đầu bếp, cô sở hữu một trung tâm dạy nấu ăn, trở thành một cô giáo nổi tiếng ở tuổi chưa đến 30. Bỗng một ngày cô phát hiện người yêu 7 năm của cô ngoại tình với một cô học sinh của lớp nấu ăn. Tình yêu bỏ đi, cô thậm chí còn mất cả vị giác. Cuốn sách là quá trình hồi phục một cách TOXIC của cô khi cô tìm lại được tình yêu với ẩm thực và ý nghĩa cuộc sống. Mình đã nói rõ phía trên là ý tưởng này lạ đối với Hàn Quốc chứ nếu đọc văn học Nhật nhiều thì độ ‘dị” của cuốn này nằm ở mức trung bình. Để không spoil, mình chỉ muốn nói là dù không bất ngờ lắm, cuối truyện có một sự bẻ lái khá ấn tượng.

Sau một loạt những tác phẩm thuần kể chuyện, ngữ nghĩa nổi trên bề ngôn từ mà mình từng đọc như “Hãy Chăm Sóc Mẹ”, “Bố Con Cá Gai”, “Yêu Người Tử Tù”, “Cảm Ơn Tất Cả”, “Kim Ji Young, 1982”... thì đây là một cuốn sách tâm lý khá táo bạo. Mình thích cách tác giả khai thác mối liên hệ giữa ẩm thực và các khía cạnh trong cuộc sống. Trong sách, bạn sẽ bắt gặp hàng loạt những phép so sánh, ẩn dụ khiến những tín đồ ẩm thực cảm thấy liên hệ vô cùng, đặc biệt là hình ảnh ‘lưỡi’ được khai thác qua từng công dụng: nếm, nói dối, và yêu. Sự linh hoạt trong sử dụng ngôn từ cùng kiến thức về các nguyên vật liệu chính là điểm sáng lớn nhất của cuốn sách này.

Thực sự, cuốn sách này mang nhiều tiềm năng để trở thành một cuốn sách nổi bật của Văn học Hàn Quốc và giành được sự yêu thích của độc giả nước ngoài. Nhưng tiềm năng này chưa được triển khai đúng cách.

Xét riêng về cốt truyện, rất nhiều chi tiết không hợp logic được đưa vào mà không có sự giải thích: chú chó Pauline bị đổi chủ vĩnh viễn (dù tình huống đưa ra là 3 ngày); một cô gái một năm trước không phân biệt được mùi cần tây và ngải cứu, giờ lại sắp mở trường dạy nấu ăn; cách hành xử lý của bếp trưởng khi ở Singapore hay như cảnh sex thứ 3 của truyện. Mình thấy 2 cảnh sex đầu tiên của truyện khá ổn về logic và các hình ảnh so sánh của một bông hoa có giọt nước tinh khôi và một quả cà chua được nâng niu từ khi còn non đến lúc chín mọng. Nhưng đến cảnh sex thứ 3 thì mình không giải thích nổi về mặt tâm lý cùng các hình ảnh đi kèm. Đọc đến trang này, mình đã kết luận: mình không thích cuốn này được rồi. Càng ngày, nỗi ám ảnh với tình yêu đã mất của Ji Won càng trở nên khó hiểu, và các phép so sánh trở nên xa vời và khoa trương.

Tâm lý nhân vật Ji Won và mạch truyện không được triển khai theo sự leo thang cũng lý giải phần nào cho sự phi logic của cốt truyện. Cốt truyện này hoàn toàn hợp lý để dẫn đến cái kết, nhưng cách triển khai các tình tiết không tạo ra cao trào, khiến cái kết vừa không bất ngờ, lại vừa không hợp logic. Lỗi này mình từng bắt gặp ở quyển “Người Ăn Chay” của Han Kang, nó đem lại cho mình cảm giác: đây chỉ là một câu chuyện bình thường bị đẩy thành bi kịch hóa, cố gắng mang đến một không khí dark và sick (chả lẽ dịch là đen tối và bệnh hoạn?!?) của Nhật Bản. Trong tương lai, mình mong sẽ tìm được những cuốn sách tâm lý xuất sắc hơn của Hàn Quốc.

Tóm lại, qua 10 năm trời, tác giả đã thai nghén ra một cuốn sách mỏng, trau truốt cho ra một thứ ngôn từ mượt mà nhưng không che lấp nổi những lổ hổng nội dung và tâm lý phi logic, lại còn bị cáo buộc đạo văn.

nhicheeze's review

Go to review page

2.0

Mình đang trong giai đoạn không thích đọc những áng văn hoa mỹ cầu kỳ nên cảm thấy quyển sách này quá trau chuốt một cách buồn cười. Kiểu cách viết màu mè nhiều tầng nghĩa không làm cho mình cảm thấy hay ho hay tò mò. Mình của 15 năm trc có thể sẽ thích kiểu văn này nhưng mình bây giờ thì không. Truyện cố gắng quá sức để đi vào tâm hồn ng đọc nhưng thất bại vì những câu từ hành văn thừa thãi. Đây là ví dụ điển hình của hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn.
More...